Theo quy định tại Khoản 6, Điều 113 Luật Đất đai 2003 thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê có quyền tặng cho quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, đối tượng được nhận tặng cho phải thuộc một trong các đối tượng sau:
1) Người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư tại Việt Nam;
2) Người có công đóng góp với đất nước;
3) Những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước;
4) Người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam;
Điều 103 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành Luật Đất đai quy định các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất:
1) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
2) Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.
3) Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa nước.
4) Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng; trong khu vực rừng phòng hộ nếu không sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đó.
Như vậy, ông (bà) có quyền nhận tặng cho quyền sử dụng đất của cha, mẹ khi thỏa mãn các điều kiện pháp lý nêu trên.
Trong trường hợp, ông (bà) không đủ điều kiện để đứng tên trên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất tặng cho thì vẫn được hưởng giá trị của đất đó. Ông (bà) có thể ủy quyền bằng văn bản cho người trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc ủy quyền cho người trông nom, quản lý đất đai phải được thực hiện tại Phòng Công chứng. Văn bản ủy quyền quản lý, trong nom đất đai lập tại Phòng Công chứng này sẽ là cơ sở pháp lý chứng minh quyền sở hữu của ông (bà) đối với đất đai khi có tranh chấp xẩy ra.
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
Số 8, ngõ 7, phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội